Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 14: Khuông Vạn Thái sư




Linh Sơn cổ tự nằm trên lưng chừng núi Linh Sơn. Từ chân núi, để lên được ngôi cổ tự này chỉ có một lối duy nhất là leo lên 99 bậc đá làm từ đá xanh nguyên khối, mỗi viên đá làm bậc thềm có chiều cao khoảng năm mươi phân, bề ngang khoảng một mét, rộng sáu mươi phân. Chẳng ai biết Linh Sơn cổ tự có từ bao giờ, chỉ biết rằng ngôi cổ tự có một con rùa tạc từ đá nguyên khối, trên lưng có tấm bia đá cổ trơ gan cùng tuế nguyệt, những nét chạm khắc trên đá mang dấu ấn thời gian, một vài chữ đã mờ.

Đứng trên khoảng sân lớn trước chính điện, người vãn cảnh chùa có thể phóng tầm mắt ra xa nhìn thấy con sông Thiên Đức uốn lượn quanh những bãi sắn, nương dâu xanh mướt ven hai bờ sông. Cánh đồng bằng phẳng trải rộng trước mặt, nhìn sang trái hoặc sang phải đều thấy những khóm tre, biểu thị cho những ngôi làng nhỏ với những mái tranh ẩn hiện.

Trước đây ngôi cổ tự hoang tàn vì thời cuộc, chỉ có một nhà sư cùng hai đệ tử ngày đêm tụng kinh gõ mõ. Hai mươi sáu năm về trước, ngôi cổ tự đón những vị khách không mời đến tá túc một đêm, đó chính là Lý Tư, người mà hai năm sau đó lập ra nước Vạn Xuân. Sau khi lên ngôi, Lý Tư lập tức hạ chỉ tu bổ ngôi cổ tự, nhờ đó Linh Sơn cổ tự không còn cảnh hoang tàn, mới có diện mạo như ngày nay.

Nhà sư năm xưa nay là trụ trì cổ tự, tuổi đã thất thập cổ lai hy, là Thiền sư Ngô Chân Lưu, được Lý Nam Vương tôn làm Khuông Vạn Thái sư (khuôn mẫu nước Vạn Xuân). Thiền sư Ngô Chân Lưu có hai đệ tử là nhà sư Đinh Nhất Hạnh, pháp danh Thích Viên Chiếu và nhà sư Nguyễn Mưu với pháp danh Thích Minh Không. Hai nhà sư Viên Chiếu và Minh Không tuổi cũng ngoại tứ tuần.

Linh Sơn cổ tự ngoài Thiền sư và hai vị cao tăng còn có thêm mấy ni cô cùng hơn một chục chú tiểu. Ngày thường, ngôi cổ tự rất hiếm có người lạ. Một tháng đôi lần, dân trong vùng, chủ yếu là phái nữ, lên chùa dâng hương thì ngôi cổ tự mới bớt tĩnh mịch đôi chút.

-A di đà Phật! Cô Dung, thầy trụ trì mời cô đến nhà ngang uống nước.

Bà Dung vừa bước xuống sân chùa thì một chú tiểu đứng chờ sẵn. Thoáng chút ngạc nhiên nhưng bà Dung vui vẻ theo chân chú tiểu đến ngôi nhà ngang lợp ngói âm dương nằm dưới những tán cây xum suê. Bà Dung đến cửa, chắp tay chào thầy trụ trì đang ngồi bên bàn uống nước. Thầy trụ trì đang tiếp chuyện một bà có dáng khắc khổ, tuổi ngoại ngũ tuần, đầu vấn khăn mỏ quạ, bà Dung không biết người phụ nữ này.

Từ lúc rời khỏi hoàng cung, bà Dung được Phạm Tu bí mật đưa về làng Vạn mai danh ẩn tích, đến nay đã được mười một năm có lẻ. Kể từ ngày ấy đến nay đã thành lệ, bà Dung đều đến chùa vào ngày rằm hay mùng một bất kể nắng mưa. Đã nhiều lần bà Dung gặp thầy trụ trì ở ngoài chính điện nhưng chưa từng nói chuyện bao giờ.

-Mời cô Dung vào uống nước, trời đang nắng nôi thế này, cô không vội về chứ?

-Dạ thưa thầy, tôi cũng không có việc gì bận.

-Đây là bà Cả Ngư ở thôn Đường Vỹ. - Thầy trụ trì giới thiệu khi bà Dung vừa ngồi xuống. – Cả chục năm nay bà Cả Ngư vẫn luôn đến chùa. Bần tăng biết hai bà đã lâu nhưng hôm nay mới có dịp mời hai bà cùng uống chén nước nhạt.

Khuông Vạn Thái sư giới thiệu bà Dung với bà Cả Ngư:

-Bà Dung đây ở nơi khác về cư ngụ ở làng Nhất Vạn cũng được già mười năm, hai bà thường đến chùa, hẳn cũng biết mặt nhau nhỉ?

-Thưa sư thầy, tôi biết bà Dung ở làng Vạn, chúng tôi hay gặp nhau trong chính điện nhưng thật là chưa từng nói chuyện.

Bà Cả Ngư tươi cười đáp lời rồi quay sang làm quen với bà Dung, bà Dung vui vẻ đáp lễ.

-Sư thầy mời tôi đến uống nước hẳn có điều cần chỉ bảo.

Sư thầy ồn tồn:

-Bà cứ uống nước đã nào. Bần tăng mạo muội hỏi, năm nay bà Dung đã bốn mươi lăm chưa?

-Thưa thầy, tính cả tuội mụ thì tôi quả đúng bốn mươi lăm.

-Vâng, bần tăng phải hỏi vậy là vì nhiều nhẽ, nhất là xưng hô cho phù hợp.

-Sư thầy cứ gọi tôi là cô vì tuổi tôi cũng chưa được bao nhiêu, cũng chưa được tính là bà.

Bà Dung tươi cười đưa tay đỡ chén nước sư thầy vừa mới rót. Trong khi đó bà Cả Ngư đứng dậy chào ra về, sư thầy tiễn bà ra đến cửa.

-Bà Cả Ngư đây ở thôn Đường Vỹ, từ đây về cũng đến mười lăm, mười sáu dặm đường.

-Xa quá thầy nhỉ? Tôi có nghe đến thôn ấy, có phải nó nằm cạnh bờ sông không thầy?

-Đúng rồi, nhà bà ấy ở cuối thôn. Mạn ấy heo hút vì toàn đầm lầy chẳng trồng trọt được gì. Hoàn cảnh bà cụ cũng khổ.

Sư thầy trở lại bàn, không giấu được vẻ suy tư.

-Chồng và con trai phục vụ cho Vũ Ninh vương bên bờ Bắc cả chục năm nay chưa được về thăm nhà, cũng không biết sinh tử ra sao. Bà ấy đến chùa cầu an. Đấy cô Dung xem, bà ấy hơn cô một giáp và tưởng như hai giáp. Từ hồi chồng con biệt tích, bà ấy nuôi cô con gái năm nay cũng đôi tám, quanh năm suốt tháng chả ngơi tay, khắc khổ có bao nhiêu hiện rõ lên mặt cả. Có điều gần đây khí sắc bà ấy thay đổi, rạng rỡ hẳn ra.

Bà Dung không hiểu sư thầy trụ trì nói rõ gia cảnh của bà Cả Ngư là có ý gì nhưng bà vẫn lắng nghe chăm chú, một dạ hai vâng cho qua chuyện.

-Con gái cô Dung năm nay cũng mười bảy rồi nhỉ, tôi nhớ là vậy.

-Dạ đúng ạ, cháu nó mới mười bảy, hãy còn nghịch lắm thưa thầy, chả biết bao giờ mới lớn để gả cho người ta, đặng có cháu ẵm bồng.

Sư thầy tủm tỉm cười, ông nheo mắt nhìn ra cửa rồi nói với bà Dung:

-Hãy còn lâu nữa cô Dung mới được làm bà ngoại. À… để bần tăng xem nào… à… nhanh thì cũng năm năm nữa cô ạ. Từ giờ đến đó hãy còn dài, cô Dung còn bận rộn nhiều.

Bà Dung nghe vậy tỏ rõ ngạc nhiên, chả lẽ con gái bà lấy chồng muộn như vậy ư? Thứ nữa bà cũng chưa nói với ai trong chùa rằng bà có một cô con gái, một cô con gái ruột nhưng phải mang danh con gái nuôi.

-Con gái cô Dung vậy là sinh năm Thiên Đức thứ 7 nhỉ?

-Tôi cũng đoán là vậy, thưa thầy. Tôi về làng Vạn mới gặp cháu, cháu là con nuôi nên tôi cũng chỉ áng chừng.

-Con gái cô Dung tên gì nhỉ?

-Cháu tên Bình, là do ông anh ruột đặt cho.

Vị Thiền sư vẫn giữ nét mặt hiền từ, giọng ông đều đều:

-Vậy là “phạm mà không phạm”.

Bà Dung cả kinh, đánh rơi luôn chén nước vẫn đang cầm trong tay từ nãy đến giờ. Lời sư thầy vừa mới nói ra khiến bà nghĩ ngay đến câu sấm mà Lý Nam Vương đã nói với bà, ngay cả trong làng Vạn, số người biết được câu sấm cũng chỉ hơn chục người, đều là thân tín, không lý nào lại lọt ra ngoài được.

-Cô con gái nuôi này của cô Dung ngày sau công danh sự nghiệp rạng rỡ lắm đây. Con gái sinh vào mùa Xuân trăm hoa đua nở, lúc giờ Thìn ba khắc ắt có… chân mệnh đế vương.

Bà Dung sợ đến bủn rủn tay chân.

-Cô Dung đừng ngạc nhiên vì sao bần tăng lại biết. Hôm nay bần tăng muốn gặp riêng cô là có ý riêng, cũng là báo cho cô những tin tốt. Ta biết cô đang nóng lòng chờ đợi, ruột gan như lửa đốt vì mấy làng Vạn mới đây đã rào làng đóng cổng, dựng cờ chuẩn bị xưng vương mà binh ít tướng mỏng.

-Đại… đại sư! Sao… sao đại sư lại hay biết những việc này?

-Có những việc bần tăng mới biết, có những việc đã dự liệu trước.

-Chả hay… chả hay việc làng Vạn đang làm là hung hay cát, dữ hay lành? Nếu đại sư đã biết, mong đại sư cho chúng tôi một lời.

Sư trụ trì chắp hai tay hướng ra cửa chính:

-Ngôi cổ tự này nhờ có tiên vương mới được yên, bần tăng cũng được tiên vương tôn làm Khuông Vạn Thái sư nhưng hai chục năm qua ngẫm bản thân chưa làm được gì xứng với danh xưng ấy. Nhận bổng lộc của tiên vương ắt phải báo đáp, thân già này nguyện phụng sự đến khi nhắm mắt xuôi tay, một lòng vì nước.

Đoạn sư thầy nói với bà Dung:

-Đến muộn không bằng đến sớm, đến sớm không bằng đến đúng lúc. Gần đây bần tăng quan sát tinh tượng thấy có sự lạ. Khoảng thời gian này tháng trước, phía Tây bất ngờ xuất hiện một ngôi sao lạ mỗi ngày một tỏ, quý nhân ắt đến từ phương ấy.

-Đại sư… ý đại sư là… là quý nhân đến từ hướng Tây ạ?

-Đó là bần tăng nghĩ thế. Ngôi sao này đột ngột xuất hiện, thật ra thì trên trời có ngàn vạn vì sao nhưng điều lạ ở chỗ, sau khi ngôi sao này mỗi ngày một tỏ thì nhiều tinh tú khác cũng dần hiện rõ. Bần tăng đã xem kỹ, đếm trước sau đủ nhị thập bát tú và… xếp thành hình chữ Vạn.

Bà Dung cảm thấy lo lắng, bà chưa hiểu những gì sư thầy vừa nói là hung hay cát nhưng bà sẽ ghi nhớ để về nói lại với Phạm Tu.

-Điềm cát, đại sự ắt thành! Cô Dung, cô ngửa lòng bàn tay trái cho ta xem.

Khuông Vạn Thái sư chấm ngón tay vào cốc nước trà, viết chữ một chữ “李”vào lòng bàn tay bà Dung rồi chắp tay niệm Phật. Bà Dung cảm thấy nửa sợ hãi, nửa vui mừng, đó chẳng phải là chữ Lý hay sao?

-Cô hãy nói với Phạm lão gia ngẫm cho thật kỹ, bần tăng đồ rằng ông ấy đang nắm địa lợi. Thiên thời rồi sẽ đến mau, cần phải bền gan vững chí. Quý nhân trợ giúp chẳng phải văn, không ra võ, chắc chắn là kỳ nhân dị tướng sẽ giúp cho tâm nguyện của ông ấy trở thành hiện thực trong nay mai. Việc đối đãi sĩ tốt phải rộng lượng, trên dưới một lòng đồng tâm nhất trí ắt đại công cáo thành.

-Đội ơn đại sư đã mách. Thưa đại sư, đại sư học vấn uyên thâm, am tường kim cổ, chẳng hay quý nhân ấy là nam nhân hay nữ tử? Chúng tôi đã mòn mỏi đợi chờ bây lâu nay nhưng không có tung tích gì.

Khuông Vạn Thái sư đọc bốn câu thơ:

“Xông pha gió bãi trăng ngàn,
Tên reo đầu ngựa, gió dan mặt thành.
Áng công danh trăm đường rộn rã,
Những nhọc nhằn nào đã nghỉ ngơi.”

Đoạn nói với bà Dung:

-Ta đồ rằng đến bảy phần là nam nhân, kẻ này rồi sẽ xông pha nơi hòn đạn mũi tên nhưng không hiếu sát, binh tướng sĩ tốt thuở ban đầu coi khinh nhưng ngày sau đều nhất lòng nhất dạ.

-Một võ tướng? Một… Vạn thắng vương? – Bà Dung hỏi, nét mặt lộ rõ vẻ kỳ vọng.

Đại sư khẽ lắc đầu:

-Bần tăng chưa thể rõ nhưng dẹp yên trong bờ ngoài cõi, thiên hạ thái bình không nhất thiết phải là vạn thắng vương. Quanh Phạm lão gia rồi sẽ có nhiều chiến tướng nhưng sẽ chỉ như những cái đũa tre cứng cáp, cần có người quấn thành một bó đũa, cùng tiến cùng thoái. Nay bần tăng chỉ có thể nói với cô như vậy, mong cô vững dạ. Bây giờ bần tăng có việc bận mất rồi, đành hẹn cô ngày khác sẽ đàm đạo thêm.

Bà Dung chào sư thầy ra về mà như người mất hồn. Bà không biết việc quân cơ, xưa là hậu phương của tiên vương, nay chỉ là một quả phụ nơi thôn dã, ngày tháng lo dệt vải thêu hoa bên khung cửa.

Xuống hết 99 bậc đá, bà Dung như bừng tỉnh, nhắm hướng làng Vạn đi thật mau.


Xuyên qua một thế giới tu tiên, nhưng nhận ra bản thân lại chỉ là phế vật ngũ linh căn, Trần Lâm tỏ ra rất bất lực, chỉ là cũng không sao, thiên phú không góp lực, vậy liền gọi cô vợ trẻ tới góp sức. Một ngày nào đó vấn đỉnh chí cao, Trần Lâm vừa hồi ức vừa chia sẻ "Chỉ có người nông cạn mới muốn làm Tiên Vương, người nhìn xa trông rộng sẽ biết, làm Chạn Vương thoải mái hơn nhiều