Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 32: Ý định đầu tiên




Chương vẫn cứ là thua trí phụ nữ hoặc mủi lòng vì phụ nữ, chính cậu hiểu rõ điều này nhưng lại rất khó thay đổi. Mọi chuyện đều có căn nguyên, Chương ở với bà nội từ lúc lên sáu, một tay bà chăm bẵm Chương đến lúc trưởng thành. Bà nội Chương không biết chữ nhưng bà vẫn dạy Chương bằng những câu chuyện truyền miệng từ ngàn đời. Hầu như tất cả chuyện bà kể đều mang lại những giá trị tốt đẹp, nhiều chuyện bà kể liên quan đến những người phụ nữ kém may mắn mà bà từng biết. Bà bảo Chương rằng phụ nữ sinh ra trong một xã hội trong nam khinh nữ vốn đã thiệt thòi, thời thế nay đã khác, nếu không giúp được đàn bà con gái thì chí ít đừng đừng làm khổ họ. Suốt mười hai năm trời bà thường xuyên nhắc nhở điều ấy, Chương một dạ hai vâng nhưng chính cậu cũng chẳng biết được suy nghĩ ấy đã ăn sâu vào tâm trí cậu. Đến khi Chương nhận ra thì thấy là cũng tốt, thời nam nữ bình quyền, tôn trọng phụ nữ cũng là tôn trọng bản thân mình.

Nhưng Chương đã mắc một sai lầm khi xem thường Duệ! Tất nhiên Chương vẫn đối xử tốt với Duệ nhưng cậu đã lơ là cảnh giác hoặc do Duệ quá cao tay.

Bà Dung rời khỏi phòng sau khi căn dặn những người đàn ông từ già đến trẻ không được bắt nạt Chương, bà muốn nhận Chương làm con nuôi, nếu cậu đồng ý.

-“Các ông ở đây mà bắt nạt nó thì ta sẽ đòi lại công bằng.”

Chương biết những lời này của bà Dung chỉ là nói khéo nhưng dù sao cậu vẫn cảm thấy vui trong lòng. Duệ không đi theo bà Dung mà ở lại, Chương đi một bước thì Duệ theo một bước khiến cậu chỉ biết thở dài. Ý chí của phụ nữ thật khó xem nhẹ.

Trà mới lại được đem lên, sau nửa canh giờ thì Chương đã nhớ mặt nhớ tên và nói chuyện thoải mái với những người có mặt trong phòng. Chủ yếu họ hỏi cuộc sống của Chương từ ngày đến Vạn Xuân, Chương thành thực kể cho họ, họ đều chăm chú lắng nghe. Thi thoảng mọi người thay nhau nói cho Chương về chuyện làng Vạn, về thế sự Vạn Xuân.

-Chương ạ, thật chả giấu gì cậu. Ta nghe cha ta kể lại cuộc gặp với cậu, ta tò mò từ hôm ấy đến giờ. Cậu đến từ phương xa, nay đồng ý nhận lời giúp cho Thiên Gia Bảo Hựu quân chẳng hay cậu có nhận định hoặc kế sách nào giúp chúng ta lớn mạnh hay không?

Bây giờ tất cả ngồi quanh một cái bàn tre, Phạm Tu ngồi đầu kia, Chương ngồi đầu này, những người còn lại ngồi bên bên, Duệ nãy giờ vẫn im lặng ngồi cạnh Chương. Người vừa hỏi là Phạm Bỉnh Di, Chương có thiện cảm với người này từ khi chạm mặt.

-Anh Di muốn Thiên Gia Bảo Hựu quân lớn mạnh, chẳng hay anh muốn lớn mạnh chừng nào?

-Ừm… Chí ít cũng lớn mạnh như Lý Lệnh công.

-Nếu đó là mục tiêu của anh ư?

-Có thể xem là vậy.

-Đầu lĩnh của Thiên Gia Bảo Hựu quân đều ở đây cả phải không anh?

Bỉnh Di gật đầu, Chương nói tiếp:

-Ta đồ rằng Thiên Gia Bảo Hựu quân mới chỉ tập trung vào sức mạnh quân sự, chỉ là tập trung thôi chứ số binh mã như khi nãy anh Diệu có nói, trước sau chỉ hơn một nghìn cũng không tính là nhiều so với hàng Vạn của Lý Lệnh công. Để trả lời câu hỏi của anh Di thì ta muốn biết quân của Tả Đô đốc hiện nay kiểm soát được bao nhiêu đất đai? Bao nhiêu dân?

-Tất cả là 18 giáp tương đương 60 làng nằm dọc theo sông Thiên Đức với hơn 8000 dân trong đó ngót 2000 nam nhân tuổi từ mười sáu đến bốn mươi, thưa thầy.

Duệ bây giờ mới lên tiếng. Chương không giấu nổi vẻ ngạc nhiên nhưng vẫn còn giận nên nói:

-Cô đừng có gọi ta là thầy, ta còn chưa nhận môn đệ.

Duệ đành cúi đầu mân mê vạt áo, hành động này lại khiến Chương cảm thấy mình nói hơi quá lời.

-Anh Di ạ, anh hẳn cũng biết quân từ dân mà ra, nếu anh huy động được hết số đàn ông trong vùng anh kiểm soát thì cũng chỉ được… được 2000 quân như anh nói. Đây là ta mới đề cập đến con số chứ chưa tính đến việc anh phải huấn luyện họ. Một nông dân trở thành một anh lính chắc phải tốn ba tháng chứ anh?

-Khoảng chừng đó. - Diệu trả lời thay Di.

-Nếu… đây là ta nói nếu nhé. Các anh bắt hết họ vào quân thì ai sẽ làm nông dân? Số còn lại là người già, đàn bà, em nhỏ nghĩa là phụ thuộc. Các anh bắt người trụ cột thì cuộc sống của những gia đình ấy sẽ khốn khó, điều này thì ai cũng biết cả. Các cụ từng bảo dân có giàu thì nước mới mạnh mà tôi đoán chừng ngoài làng Vạn ra thì những làng còn lại không được sung túc.

-Quả có chuyện đó. - Bỉnh Di nói.

-Như vậy nếu anh Di muốn lớn mạnh thì việc tiên quyết là dân của anh phải đông. Dân đông thì quân cũng sẽ đông và kinh tế… ý ta ta nói là làm ăn ấy… cũng sẽ lớn mạnh.

-Cậu nói đúng, điều này thì ta cũng biết nhưng thú thực làm sao để tăng dân thì… ta chưa nghĩ ra.

-Tả Đô đốc đang có tài lực nên muốn chiêu an dân trong vùng nhưng lâu dài vẫn sẽ phải thu thuế. Dân mà không nảy nở thì thuế thu ở đâu mà nuôi quân? Bây giờ có huy động mỗi nhà sinh đến năm người con thì hai chục năm sau anh mới dùng được.

-Cậu mới đây nghe mà đã nắm được như vậy hẳn đã có kế sách? - Bỉnh Di chờ đợi.

-Kêu gọi dân ở các vùng do sứ quân khác kiểm soát về là được thôi.

Chương vừa dứt lời thì người nào người nấy đều cố nhịn cười, chỉ có Duệ là ngước mắt nhìn Chương chờ đợi.

-Xin lỗi cậu vì thất lễ. Theo ta thì đó không phải là kế sách.

Chương thản nhiên:

-Đấy là mục tiêu đặt ra còn kế hoạch… à… kế sách như anh Di muốn thì chẳng thiếu. Trong một năm có khi số dân kéo về vùng này phải lên đến hàng vạn.

-Cách nào? Cậu mau nói đi.

-Nhất thời ta không thể trả lời vì còn thiếu thông tin nhưng… ta cần khoảng một đến hai tháng để nắm tình hình. Tuy nhiên ta muốn hỏi anh Di và các chú bác ở đây, ấy là dân bên kia bờ Thiên Đức có đông không?

-Mười ba năm về trước thì dân cư ở bờ Bắc sông Thiên Đức thuộc châu Vũ Ninh có khoảng mười một vạn, thưa anh.

Vẫn là Duệ đáp lời, Chương chau mày rồi hỏi lần lượt từ Diệu, Di rồi Đoàn Thượng, Quang Phục và cả Phạm Tu nhưng chẳng ai nắm được thông tin này.

-Biết người biết ta trăm trận trăm thắng, có thể bấy lâu nay làng Vạn đóng cửa nên không nắm hết được những tin quan trọng. Mười ba năm trước họ đã có mười một vạn dân thì đến nay hẳn con số ấy có thể đã là mười lăm, mười sáu thậm chí hai mươi vạn dân. Ta ước theo tỉ lệ vùng ngày thì một phần tư số dân của họ có thể trở thành quân lính. Họ có thể huy động được từ bốn đến sáu vạn dân vào lính hoặc phục dịch.

Không khí trong phòng im lặng như tờ. Đối với Chương, một chàng sinh viên đang theo học ngành biến nước bọt thành tiền thì hùng biện và tính toán sơ bộ không có gì là khó.

-Từ đây qua đấy chỉ cách một con sông, nếu các anh để dân bên ấy thấy bên này sống dễ hơn, được an toàn thì tất họ sẽ tìm cách kéo sang, chưa kể còn vùng Siêu Loại gần đây nữa.

-Nhưng đặc tính dân Vạn Xuân là bám đất bám làng, họ không dễ dàng bỏ làng mà đi như vậy. - Bỉnh Di nhận định.

-Vâng! – Chương gật đầu. – Nhưng những người nghèo sẽ bỏ đi trước tìm sinh kế. Một người đi sẽ có thêm mười và… nếu anh muốn thì có đủ cho anh. Chỉ lo vùng này rồi sẽ chật kín người chả biết lấy gì mà sống.

-Cháu đã có kế sách rồi hả? - Phạm Tu hỏi.

-Kế hoạch này cần khoảng nửa năm để thực hiện nhưng cháu sẽ bàn cụ thể với anh Di đây. Chả lẽ ở làng này chỉ có mình cô Duệ biết những số liệu?

-Số liệu? Thứ ấy là gì? - Bỉnh Di thắc mắc.

-Là những thông tin cần thiết thể hiện bằng con số. Anh muốn đánh bại bất cứ sứ quân nào thì anh cần phải nắm rõ binh lực của họ, số dân, lương thảo, tình trạng quân lính sẵn sàng chiến đấu, lòng dân có thuận… Nếu anh nắm hết được những thứ ấy của đối phương thì đánh bại họ khi nào là do anh, muốn đánh như nào cũng do anh cả.

-Cậu… cậu nói thật chứ?

-Căn cơ vẫn là ở dân anh Di ạ, dân nhiều thì quân đông, no đủ thì dân tìm về và muốn dân giàu thì trước tiên cần phải dạy chữ cho họ.

-Dạy chữ? Sao phải vậy? -Diệu thắc mắc.

-Mở lớp dạy chữ, dạy làm ăn, dạy buôn bán, tạo điều kiện cho họ buôn bán cũng cần phải biết chữ nghĩa mà giao thương. Thầy ta đã dạy, muốn đánh bại và cai trị một quốc gia, chẳng cần phải dùng binh hùng tướng mạnh, chỉ cần làm cho dân nơi ấy mù chữ và lười biếng. Các anh có điều kiện học chữ nên thăng quan tiến chức, đầu óc nhanh nhạy. Nông dân không biết chữ thì đời này đến đời khác vẫn cứ là nông dân, họ sao có thể đổi đời mà nếu anh dựng cờ, cờ của anh chẳng tốt hơn cờ người ta đang theo cớ sao họ phải theo anh chứ?

Tất cả lại im lặng nhìn nhau, riêng Phạm Tu nhìn cậu với ánh mắt có phần khác lạ. Chương khẽ thở dài, cậu nhận ra rằng Vạn Xuân có quá nhiều vấn đề, sợ là mình cậu tính không hết.

-“Thôi thì giúp được đến đâu hay đến đó.”

-Như thế tất cả chúng ta sẽ học chữ! - Diệu nói. – Sau đó dạy lại cho dân?

-Phải bàn tính kỹ và khi mở lớp thì dạy như thê nào nữa anh ạ. Song song với việc này, ta nghĩ… ta cần có một số người giúp cho việc thực hiện kế sách.

-Cháu cần bao nhiêu? – Phạm Tu hỏi.

-Cháu… cháu sẽ báo sau.

-Duệ biết tất cả những thứ đó, nó cũng có thể giao người như cháu muốn. Chả giấu gì cháu, mỗi khi bọn ta rời làng thì làng này đều giao cho nó quản cả.

-Ta đánh giá sai cô Duệ, thật xin lỗi cô.

Duệ ngồi đó cúi đầu mân mê vạt áo.

-Bây giờ cũng đã trưa, chúng ta ăn trưa rồi tạm nghỉ nhỉ? - Triệu Quang Phục đề nghị.

-Đúng đấy, để chúng bàn việc với nhau, chúng ta cũng cần phải bàn thêm đấy hai ông ạ.

Hội ba người lớn tuổi đi trước, Chương đề nghị:

-Chúng ta ăn trưa xong thì chúng ta bàn kỹ về điều anh Di đang trăn trở. Bây giờ… bây giờ ta có thể nói chuyện riêng với cô Duệ một lúc không?

Diệu và Di cùng đứng dậy, Di nói:

-Nói thật là ta mong cậu sẽ làm rể làng này đấy. Cùng cánh đàn ông con trai với nhau, thấy cậu tốt bụng nên ta nhắc trước, con gái làng này không giống như vẻ bề ngoài đâu. Nhìn cậu tuấn tú thế này ta lo ngày sau cậu ra chiến trường không sợ, lại sợ phải đối mặt với con gái làng Vạn. Như tay Diệu này này, trông vậy mà thúc thủ trước cái cô Xuân. Chính vì thế nên ta chưa thèm lấy vợ.

Bỉnh Di cười sảng khoái kéo Diệu rời khỏi phòng lớn. Duệ vẫn ngồi lặng im mân mê vạt áo, Chương hỏi:

-Cô còn gì giấu ta nữa không? Ta nói cho cô hay, ngày sau cô còn tính kế với ta thì ta không thèm nhìn mặt cô nữa.

-Cũng là vì đại cuộc nên ta mới phải làm vậy, mong anh Chương bỏ qua cho.

-Bà cô khi nãy nói ngon ngọt với ta cũng là cô tính kế chứ?

-Thưa không ạ.

-Cô mới mười tám, chẳng lẽ cô hay chữ đến vậy sao?

-Ta cả ngày chẳng biết làm gì ngoài viết và đọc nên… nên mới vậy, cũng không dám nhận là hay chữ.

-Cô còn quản cả mấy làng thì không phải tay vừa đâu, định giả nai với ta chắc?

-Giả nai là gì?

-Là giả vờ ấy.

-Không có, là do anh Chương không hỏi nên ta không nói mà. Bây giờ đã là người một nhà, anh Chương hỏi gì ta cũng nói cho anh biết.

-Ai cùng một nhà với cô? Chốc nữa xong việc ta về, cô đừng có mà bám theo ta nữa.

-Anh Chương sẽ nhận ta làm môn đệ chứ?

-Để ta suy nghĩ thêm, cô muốn học chữ thì ta dạy nhưng ta sẽ không nhận cô làm môn đệ gì đó đâu.

-Tại sao?

-Ta không thích có môn đệ sáng dạ hơn ta.

-Vậy ta không sáng dạ, ta có được nhận làm môn đệ không?

Thiên Bình đứng tựa cửa tư bao giờ bỗng lên tiếng.

-Ta mới nghe anh Di nói thầy Chương biết chữ của Bụt nên ta muốn học.

Vừa nói Bình vừa tung tăng đi vào, ngồi đối diện với Duệ.

-Anh ta nói gì mà khiến chị buồn thiu như thế? Chị có cần em dạy anh ta một bài học không?

Chương đứng dậy cúi xuống nói với Bình:

-Cô Duệ này ta có thể dạy nhưng cô thì không vì cô đã bêu rếu ta khắp làng. Cô cam tâm làm học trò của một kẻ cặn bã như ta ư? Đúng nhỉ? Cô đã nói ta là đồ cặn bã cơ mà. Ta nhớ dai lắm.

-Anh đừng có tưởng được bác và mẹ ta coi trọng mà lên mặt với ta.

-Ta lên mặt với cô làm gì? Ta còn chẳng muốn gặp cô cơ. Ơn cô cứu mạng thì ta trả rồi, lại còn tặng quà cho cô xem ra cô đã có lãi. Ta nói này, con gái thì đừng có hở một tí là đòi đánh người khác. Thôi ta đói bụng rồi, mau đi ăn cơm, để xem làng Vạn thết đãi ta món gì nào.

-Xưa nay ta muốn cái gì đều được cả. – Bình đứng lên nhìn Chương chằm chằm.

-Thế à? Thế cô có muốn cao bằng ta để khi nói chuyện đỡ phải ngẩng lên không?

Chương bĩu môi quay lưng bước ra cửa, Duệ vội đứng dậy chạy theo. Bình sau vài giây lưỡng lự cũng không chịu thua, đi sau Chương nói kháy dăm ba câu chọc tức.


Thể loại sư đồ cực hay và đang hót. Sư phụ ( main) đóng vai trò làm nền, lão đại sau màn, ít xuất hiện, mỗi lần xuất hiện là diệt tông diệt tộc. Các đồ đệ đất diễn nhiều, xoay quanh cốt truyện của các đồ đệ, cốt truyện main chủ yếu về sau.