Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 50: Cố nhân




Tin tức từ những người mà Lý Đạo Thành phái đi thu thập phải bắt đầu báo về sau khoảng mươi ngày. Toán thám thính vùng bờ Bắc sông Thiên Đức cho biết không có gì lạ, Vũ Ninh vương vẫn kê cao gối trong thành Bát Vạn trong khi những trại nhỏ đóng rải rác trong vùng do ông ta kiểm soát không hề có bất kỳ động tĩnh nào đáng chú ý.

Tuy nhiên, từ bờ Nam sông Thiên Đức đến vùng giáp ranh với Tế Giang thì người của Lý Đạo Thành thu nhận được nhiều thông tin lưu truyền trong dân rất đáng chú ý.

Cuối tháng trước, gia trang của đại hào phú họ Nguyễn ở làng Nguyệt Đức ven bờ sông Dâu có biến, lợi dụng đêm hôm mưa gió, một toán cướp đông hàng trăm tên đột nhập và dọn dẹp gần như sạch sẽ của cải, đặc biệt là trâu bò và ngựa. Thời buổi loạn lạc giặc cướp nổi lên không phải chuyện hiếm, đôi khi còn xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật nhưng điều khiến Lý Đạo Thành hồ nghi ấy là toán cướp tự xưng là Hoả Cẩu hay Chó Lửa gì đó lại hành động vô cùng khác lạ.

Qua thông tin thu lượm thì đảng Hoả Cẩu này không hạ sát bất cứ người nào trong gia trang, sau khi hành sự xong, chúng rút đi êm thấm cùng với hơn chục tì nữ. Thôi thì điều này cũng chưa cho là lạ bởi cướp của nả rồi cướp sắc cũng đâu lạ.

Cả một kho vải vóc, nhung lụa bị dọn gần như sạch sẽ chỉ trong chưa đầy một canh giờ. Phải biết rằng để thực hiện được điều ấy thì hàng trăm gia nhân trong gia trang cũng cần ít nhất một buổi chiều. Có thể thấy đảng cướp này đông, hành động quy củ, có sự chỉ huy thống nhất, ra tay mau lẹ. Điều ít thấy ở một nhóm những kẻ ô hợp tụ tập làm điều xằng bậy. Chúng cướp thuyền và dùng số thuyền ấy chở vải đi, trên cánh đồng có vương vãi lại ít vải vóc cùng hai thuyền bị lật úp ven bờ sông. Lý Đạo Thành cho đây là điểm lạ, không lý nào đám cướp lại vội vã đến độ đánh rơi của cướp được bởi chúng hành động chặt chẽ, không tỏ ra vội vàng. Tất cả các dấu vết để lại đã bị cơn mưa kéo dài suốt đêm xoá sạch, ngay cả dấu chân của trâu hay ngựa cũng không tìm thấy. Dân trong vùng cho rằng toán cướp đã dùng thuyền lớn chở số trâu ngựa này đi. Lý Đạo Thành cũng cho là hợp lẽ.

Điều khác lạ mà Lý Đạo Thành quan tâm hơn cả ấy là lẻ đầu đảng dường như là một tráng niên cao lớn tuổi ngoài hai mươi cùng một cô gái, hẳn chúng là một cặp. Dáng vẻ kẻ đầu đảng như mô tả của những bảo tiêu trong gia trang thì có phần nho nhã, ăn nói nhẹ nhàng. Một chi tiết ít người để tâm, ấy là theo sau kẻ đầu đảng luôn có một đội binh nhỏ có hàng lối quy củ, không bát nháo. Những kẻ cướp không sát hại người cũng không đập phá hay đốt bất cứ thứ gì. Từ những tiểu tiết này, Lý Đạo Thành đưa ra nhận định rằng đám cướp này có phần giống quan binh và kẻ đầu đảng là một công tử.

Có khi nào chính Lý Lệnh công cho kẻ dưới làm vậy để thu thêm tiền? Khả năng này rất cao, bằng chứng là ngay sau đó các hào phú trong vùng đều chi đậm hơn để được che chở. Còn việc đám cướp tự nói đến từ Tế Giang chỉ nhằm đánh lạc hướng, đổ vấy cho kẻ khác nhằm giấu hành tung.

Kẻ đầu đảng là một nho sinh, hắn ta đã tặng một bài thơ rất dài cho gia chủ, bài thơ lại nói về chí làm trai với bốn câu đầu là:

“Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc,
Nợ tang bồng vay trả trả vay.
Chí làm trai nam bắc đông tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.”

Phần sau của bài thơ không biết ra sao nhưng chỉ với bốn câu mở đầu này đã cho thấy toán cướp không đơn thuần là cướp.

-“Chúng tích luỹ của cải, phá quấy Lý Lệnh công”

Lý Đạo Thành nhận định. Ông hỏi đến đám Triệu Quang Phục thì chỉ biết đám ấy đang tích cực gia tăng thanh thế bằng cách tuyển binh, miễn giảm thuế khoá và đang cho dựng thêm một làng mới. Binh mã của Triệu Quang Phục ước tính hơn một nghìn với khoảng hai trăm ngựa tốt. Tin này không lạ song nghe nói ngoài Triệu Quang Phục còn có kẻ xưng là Phạm lão gia rất ít xuất hiện. Kẻ họ Phạm này là ai? Có thể là một nhân sĩ trong vùng mới về làm mưu sĩ cho họ Triệu.

-Bẩm Thái sư, còn một tin nữa nhưng tiểu nhân không biết có nên bẩm báo hay không vì có phần hoang đường.

-Ngươi cứ nói.

-Dạ bẩm, cách đây non nửa tuần trăng ở giáp Thiên Đức mới có một đội quân, đội quân này nghe nói đã tổ chức thi đấu gì đó rồi nhờ vậy mà tuyển thêm được binh mã.

-Hử? Giáp Thiên Đức? - Lý Đạo Thành đưa tay bóp trán. - Nó ở đâu?

-Thưa Thái sư, giáp này nằm ven sông Thiên Đức, ở bờ Nam, hiện thuộc kiểm soát của Triệu Quang Phục.

-Ồ! Lại thêm một đám loạn quân? Chúng tự xưng hay thuộc về gã họ Triệu?

-Dạ bẩm, đội quân này áng chừng vỏn vẹn hai trăm, không có ngựa, trang bị sơ sài. Người trong quân tuyển từ giáp Thiên Đức, tuyển cả đàn và và em nhỏ.

Lý Đạo Thành bật cười:

-Lai thêm một tiểu sứ quân cát cứ ư? Chúng tuyển đàn bà, em nhỏ đánh trận? Nực cười. Kẻ cầm đầu tên gì?

-Dạ bẩm, là một tiên sinh họ Mạc.

Lý Đạo Thành khẽ lắc đầu:

-Một lão già họ Mạc nào đó không chịu an phận vui thú điền viên lại trở quẻ? Loạn hết cả. Đó là chuyện hoang đường mà ngươi nói sao?

-Bẩm Thái sư, dân giáp Thiên Đức và lân cận kháo nhau rằng binh sĩ của đội quân này không giống như một đội quân thông thường. Chúng xưng là Đại đội Thiên Đức, gần đây người ta thấy đội quân này kẻ nào kẻ nấy gù lưng tải sọt đựng đá nhắm hướng núi Linh Sơn mà đi, ngày nào cũng vậy.

-Hả? Ngươi có nhầm không? Quân binh không tập luyện mà lại gùi đá vào núi làm gì? Chúng xây thành trong núi?

-Tiểu nhân cũng nghĩ như vậy.

-Chắc sợ bị gã họ Triệu đến làm cỏ nên chúng xây thành trong núi. Đấy cũng đâu phải chuyện gì hoang đường?

-Bẩm Thái sư! Tiểu nhân nghe nói ban ngày ban mặt khi đội quân này làm lễ thượng kỳ hay tế kỳ gì đó, đang làm thì trời kéo mây đen, giông tố nổi lên, tứ phía sấm rền vang nghe kinh hãi như tiếng hổ gầm.

Lý Đạo Thành đứng bật dậy:

-Cái gì? Có chuyện đó sao? Xảy ra từ bao giờ?

-Gần nửa tuần trăng trước thưa Thái sư.

Lý Đạo Thành đăm chiêu, đi đi lại lại một hồi, sau mới nói:

-Ngươi cho thêm người dò la thật kỹ vùng bờ Nam sông Thiên Đức. Ta muốn biết Mạc tiên sinh đó là ai, chúng có liên hệ gì với Triệu Quang Phục và có đúng chúng xây thành quách trên núi hay không.

Nửa tháng sau, Lý Đạo Thành nhận được một tin khiến ông thất kinh, liền mấy đêm không yên giấc. Kẻ dưới cho hay Phạm lão gia mới xuất hiện gần đây chẳng ai xa lạ, một cố nhân, là đồng liêu, chả ai xa lạ, ấy là Tả Đô đốc Phạm Tu!

Lý Đạo Thành không lạ gì Phạm Tu bởi trước đây ông ta giữ trị an kinh đô, liêm chính công minh nên kẻ sợ cũng lắm mà kẻ thù cũng nhiều. Lý Nam Vương thành nghiệp lớn thì ông ta công đầu. Trong những trận giao chiến với Hoa quốc, Phạm Tu luôn là tướng tiên phong dẫn quân xung kích đánh thọc sâu. Dưới trướng Phạm Tu thời ấy có nhiều chiến tướng, Triệu Quang Phục cũng nằm trong số ấy. Tại sao ông không nghĩ đến điều này chứ? Gã họ Triệu không thể có tài lực và uy tín mà dấy binh được. Ngay Lê Phụng Hiểu nay dưới trướng Long Xưởng năm xưa cũng một tay Phạm Tu dìu dắt.

Phạm Tu có người em gái là Phạm Quý phi, người được tiên vương vô cùng sủng ái. Bà này hạ sinh một công chúa nhưng hơn mười năm trước đã bị kẻ gian bắt mất nên sinh bệnh. Ngày Phạm Quý phi bị đuổi khỏi cung, chính Lý Đạo Thành đã đến tiễn biệt và bảo rằng ngày sau nếu có khó khăn hãy đến tìm ông. Trong các phi tần của tiên vương, Phạm Quý phi không tranh giành, có lẽ bà biết thân biết phận khi chỉ hạ sinh công chúa. Một thời gian sau Phạm Tu nhượng thái ấp, từ quan cáo lão về quê, tiên vương không muốn song nhiều đại thần vốn có hiềm khích đã tiện tay bỏ đá xuống giếng. Hoàng hậu khi ấy cũng không ưa Phạm Tu nên ra sức thuyết phục tiên vương phê chuẩn.

Lý Đạo Thành tiếc nuối khi triều đình mất một bậc trung thần, ông từng đến gặp Phạm Tu ở thái ấp cùng đàm đạo thế sự. Ngày ấy Lý Đạo Thành có cảm thấy đôi chút lạ khi Phạm Tu không hề buồn bã mà ngược lại, vô cùng vui vẻ, lạc quan về thời cuộc. Còn nhớ Phạm Tu đã nói trước khi Lý Đạo Thành ra về:

-Thái sư, ngài là rường cột nước nhà, rồi đây chân kiềng có gãy hẳn ngài cũng có chốn nương thân. Ta thân đơn thế mỏng, ở lại chỉ sợ liên luỵ bao người. Nay ta cáo lão nhưng tâm tình vẫn gửi lại nơi đây, nếu ông trời cho ta thọ thêm thì hẹn Thái sư mười lăm năm nữa cùng uống trà đàm đạo thế sự trong Điện Thái hoà. Thái sư có lòng với nước, ta cũng vậy nhưng nay vì đại sự mà phải ra đi trong tủi nhục cũng không bận lòng.

Lý Đạo Thành khi ấy chỉ nghĩ Phạm Tu còn vọng tưởng, luyến tiếc nhưng giờ đây, sau cả chục năm bặt vô âm tín thì Phạm Tu đã xuất hiện. Như vậy, Thiên Gia Bảo Hựu quân hẳn do ông ta dựng lên. Bây giờ binh sĩ chỉ một nghìn nhưng nay mai thôi, quần hùng nghe tin Tả Đô đốc dấy quân ắt có kẻ theo về. Ngay trong quân của Lý Đạo Thành cũng có nhiều võ tướng trước đây là tuỳ tướng hoặc thân quân của Phạm Tu hoặc chí ít mang ơn ông ta.

Lý Đạo Thành không sợ Phạm Tu kéo quân đến đây khi ông ta mạnh bởi Phạm Tu là kẻ trung quân, ông ta sẽ chỉ khuông phò nhà Lý, nhưng trong tay ông ta làm gì có hoàng tử nào? Đến người trong hoàng tộc cũng chia đôi, nửa bên La thành, nửa ở với Lý Đạo Thành.

-Lão này quả thâm sâu, nhất định ông ta còn lận lưng quân bài chủ mà ta chưa biết. Nếu ông ta trung quân, phò tôn thất hoặc hậu nhân của tiên vương thì chí ít Hoàng tử Long Trát có phần nhiều cơ hội vì đám Long Xưởng chắc chắn không dung nạp Phạm Tu. Như vậy ta phải nhanh tay mới được.

Lý Đạo Thành nhớ lời dặn của Đại sư Nguyễn Minh Không, tuy chưa rõ ràng nhưng ít nhất cũng nên lo cho ngày sau. Thêm một bạn thì bớt một thù, nhân phẩm của Phạm Tu đáng để ông thử.

Hôm sau Lý Đạo Thành bẩm báo với Long Trát, Long Trát đồng tình vì lúc thiếu thời từng nghe danh Phạm Tu là bậc dũng tướng, giúp tiên vương dựng nghiệp, công chính liêm minh, giúp kẻ yếu, chống gian thần nên không có vây cánh.

Lý Đạo Thành cho ba thuyền giả làm thuyền buôn trong đó hai thuyền chở ngũ cốc, một thuyền nhỏ chở bạc vàng kèm theo một bức thư tay. Quyết định này của Long Trát và Lý Đạo Thành quả nhiên sau này mang lại cho họ nhiều lợi ích, nhất là khi gặp cơn nguy khốn.

Thể loại sư đồ cực hay và đang hót. Sư phụ ( main) đóng vai trò làm nền, lão đại sau màn, ít xuất hiện, mỗi lần xuất hiện là diệt tông diệt tộc. Các đồ đệ đất diễn nhiều, xoay quanh cốt truyện của các đồ đệ, cốt truyện main chủ yếu về sau.